Thị trường chứng khoán là gì? Vai trò đối với nền kinh tế ra sao?

Chung khoan la gi Vai tro doi voi nen kinh te
Chia sẻ

1. Thị trường chứng khoán là gì?

Theo định nghĩa trong Luật Chứng khoán, chứng khoán là tài sản bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, trái phiếu, chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký. Những loại tài sản này có điểm chung là một bằng chứng xác nhận sở hữu hợp pháp của người sở hữu (gọi chung là nhà đầu tư) với tài sản của doanh nghiệp hoặc tổ chức phát hành.

» Khóa học đầu tư Chứng khoán (Từ A đến Z)

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng… Thị trường được hình thành khi có sự tham gia của bên bán là doanh nghiệp niêm yết, công ty quản lý quỹ; bên mua là nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài; bên cung cấp dịch vụ là công ty chứng khoán; nơi niêm yết và điều hành thị trường là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, TP HCM.

Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhà đầu tư sẽ mua bán chứng khoán đã niêm yết thông qua nền tảng trực tuyến hoặc giao dịch tại quầy của công ty chứng khoán nơi họ đăng ký tài khoản. Thông tin mua bán (gọi là lệnh giao dịch) được chuyển vào hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán để xử lý, sau đó trả kết quả cho nhà đầu tư.

Đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán thì giao dịch dưới dạng phi tập trung, tức giao dịch trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán” và không có địa điểm giao dịch thực tế. Các công ty chứng khoán trong trường hợp này thường đóng vai trò nhà tạo lập thị trường bằng cách báo giá cho hai bên, sau đó thực hiện mua và bán chứng khoán.

Một sản phẩm đặc trưng của thị trường chứng khoán thường được biết đến là một thị trường mua bán cổ phiếu doanh nghiệp, trong đó người mua cổ phiếu được gọi là cổ đông, và người bán là các doanh nghiệp. Các cổ phiếu này tồn tại dưới 2 dạng là dạng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đại chúngdạng được giao dịch một cách không công khai (VD: Mua bán cổ phần công ty). Việc mua bán cổ phiếu sẽ thực hiện tại các sàn môi giới chứng khoán hoặc giao dịch điện tử trên các website chứng khoán chính thống.

1.1. Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu được xem là chứng khoán vốn bởi nó xác nhận quyền và lợi ích như như dự họp đại hội đồng cổ đông, biểu quyết, đề cử Hội đồng quản trị, hưởng cổ tức… của người sở hữu với một phần vốn của doanh nghiệp. Đây là loại chứng khoán phổ biến và được giao dịch nhiều nhất trên thị trường.

Tương tự cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cũng là chứng khoán vốn nhưng để khẳng định quyền sở hữu của nhà đầu tư với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán. Bản chất đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho chuyên gia của các tổ chức quản lý quỹ.

1.2. Trái phiếu là gì?

Trái phiếu là loại chứng khoán để xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ (còn gọi là trái chủ). Vì trái phiếu là chứng khoán nợ nên khi doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể thì trái chủ được ưu tiên thanh toán trước người nắm giữ cổ phiếu (còn gọi là cổ đông).

1.3. Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh là loại chứng khoán tồn tại dưới dạng hợp đồng tài chính để xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên về giao dịch sẽ thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai. Giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào tài sản cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá (kim loại, nông sản)… Đầu tư chứng khoán phái sinh có thể hiểu như đặt cược vào sự tăng hoặc giảm của tài sản cơ sở trong tương lai, tức khi giá trị tài sản cơ sở biến động đúng dự đoán thì nhà đầu tư có lãi.

1.4. Chứng quyền là gì?

Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán do công ty chứng khoán phát hành và được niêm yết với mã giao dịch riêng. Người giữ chứng quyền nhận được quyền mua hoặc quyền bán chứng khoán cơ sở (như cổ phiếu, ETF, chỉ số…) tại mức giá và thời điểm đã được xác định hoặc hưởng khoản chênh lệch giá tại ngày đáo hạn. Giá chứng quyền thường thấp hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở nhưng có tính đòn bẩy cao và biết được khoản lỗ tối đa, do đó phù hợp với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

2. Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế

Thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có thể phân loại cụ thể vai trò của thị trường chứng khoán đối với 3 chủ thể tác động trực tiếp lên nền kinh tế là: chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

2.1 Vai trò của thị trường chứng khoán đối với chính phủ

TTCK tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.

Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty phát hành, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, TTCK đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thông qua TTCK, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được các nguồn vốn cho mục đích sử dụng và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.

Trong nền kinh tế quốc dân, thị trường chứng khoán giúp huy động và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Vốn của chính phủ được huy động qua việc bán trái phiếu để đầu tư vào các dự án của nhà nước. TTCK giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hoá đối với các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp quốc doanh).

TTCK góp phần giúp chính phủ thực hiện các chính sách tiền tệ hiệu quả qua việc mua bán trái phiếu nhằm điều chỉnh sự tăng giảm của lãi suất thị trường. Cũng là một giải pháp huy động, linh động cho công ty. Ngoài ra TTCK còn giúp bán cổ phiếu ra nước ngoài, giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Vì thế, TTCK được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua TTCK, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào TTCK nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.

2.2 Vai trò của thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán là một giải pháp huy động nguồn vốn kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp qua việc bán trái phiếu hoặc cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Qua đó, doanh nghiệp vừa không cần phải đi vay vốn trả lãi cao cho ngân hàng, vừa tạo ra được tính thanh khoản linh động cho công ty.

Thông qua chỉ số giá chứng khoán trên thị trường, thị trường chứng khoán giúp thể hiện chính xác và tổng quát các giá trị hữu hình và vô hình của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Từ đó giúp phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực cho việc áp dụng công nghệ hiện đại vào cải tiến sản phẩm, dịch vụ.

Thị trường chứng khoán giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình đến công chúng một cách hiệu quả, dễ dàng và ít tốn kém.

Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.

2.3 Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán cung cấp cho các nhà đầu tư một nguồn đầu tư đa dạng và tối thiểu hóa các rủi ro trong đầu tư. Qua đó, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm được cho mình một doanh nghiệp phù hợp nhất để góp vốn đầu tư. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình. Chính vì vậy, TTCK góp phần đáng kể làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.

Nhờ có TTCK các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. TTCK hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.

3. Chức năng của thị trường chứng khoán

Sau khi hiểu được vai trò của thị trường chứng khoán thì chúng ta cùng tìm hiểu về các chức năng của thị trường chứng khoán như sau:

Chức năng của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế là rất to lớn vì thị trường chứng khoán nắm giữ rất nhiều chức năng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

  • Thị trường chứng khoán có chức năng huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế. Qua đó, cả chính phủ và doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu nhằm huy động vốn cho các dự án sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế.
  • Thị trường chứng khoán tạo nên một môi trường đầu tư phong phú và đa dạng, qua đó các nhà đầu tư có nhiều sự chọn lựa các loại cổ phiếu (chứng khoán) phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình.
  • Thị trường chứng khoán góp phần tạo nên khả năng thanh khoản cho các chứng khoán.
  • Có nghĩa là các nhà đầu tư ngoài việc mua chứng khoán còn có thể bán chứng khoán để lấy tiền, hoặc đổi thành các loại chứng khoán khác mà theo họ là có khả năng sinh lời cao hơn. Chức năng này giúp đảm bảo tính hoạt động liên tục và hiệu quả cho thị trường chứng khoán.
  • Thị trường chứng khoán có chức năng đánh giá giá trị của doanh nghiệp và tình hình nền kinh tế đất nước. Theo đó, các chỉ số chứng khoán cao hay thấp sẽ thể hiện được giá trị của doanh nghiệp và nền kinh tế.
  • Thị trường chứng khoán giúp chính phủ thi hành dễ dàng các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tránh thâm hụt ngân sách, điều chỉnh lạm phát, định hướng đầu tư kinh tế hiệu quả.

4. Cơ cấu của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán được cơ cấu dựa trên 3 hình thức là phương thức giao dịch, tính chất chứng khoán giao dịch, và tính chất lưu chuyển vốn. Cụ thể như sau:

4.1. Cơ cấu dựa trên phương thức giao dịch

Bao gồm 2 dạng thị trường là:

  • Thị trường giao dịch ngay: mua bán với giá theo từng thời điểm trong ngày giao dịch. Tuy nhiên người mua sẽ thanh toán và nhận cổ phiếu sau vài ngày (tùy theo quy định số ngày của từng thị trường chứng khoán cụ thể). Hiện tại TTCK đang áp dụng quy định T+2. Thị trường này còn được gọi là thị trường thời điểm.
  • Thị trường tương lai: mua bán cổ phiếu theo hợp đồng đã ký trước, trong đó giá cả được thỏa thuận ngay trong ngày giao dịch; người mua sẽ thanh toán và nhận cổ phiếu theo một kỳ hạn trong tương lai (Ví dụ: 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm,…).

4.2. Cơ cấu dựa trên tính chất chứng khoán giao dịch

Bao gồm 3 dạng thị trường là:

  • Thị trường cổ phiếu
  • Thị trường trái phiếu
  • Thị trường chứng khoán phái sinh

4.3. Cơ cấu dựa trên tính lưu chuyển vốn

Cơ cấu này bao gồm 2 dạng thị trường là thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Trong đó thị trường sơ cấp là tiền đề giúp tạo nguồn chứng khoán để lưu thông, thị trường thứ cấp là động lực giúp cho lưu thông chứng khoán thuận lợi.

Tuy nhiên, việc phân biệt 2 dạng thị trường này chỉ mang tính chất tương đối. Ta có thể hiểu chức năng của 2 dạng thị trường này như sau:

Thị trường sơ cấp: giúp thu hút nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư qua hành động mua chứng khoán.

Thị trường thứ cấp: giúp nhà đầu tư bán chứng khoán đã mua để chuyển đổi thành tiền mặt dễ dàng và thuận tiện. Tiền thu được hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư đã bán hoặc chuyển nhượng chứng khoán cho các nhà đầu tư khác.

5. Đặc điểm của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán bao gồm 3 đặc điểm cơ bản như sau:

  • Thị trường chứng khoán là hình thức tài chính trực tiếp (mua bán cổ phiếu một cách trực tiếp). Là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.
  • Thị trường chứng khoán là một thị trường gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Trong đó có người mua, người bán, thông tin giao dịch cụ thể, và hàng hóa được đồng nhất là cổ phiếu, trái phiếu với giá hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân bằng cung cầu trên thị trường. TTCK không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng.
  • Thị trường chứng khoán là một thị trường hoạt động liên tục. Bản chất của TTCK là thị trường thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán chứa đựng thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư. TTCK là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm kiến thức từ trang nguyenhuuduc.com.vn của chúng tôi. Đây là trang có đầy đủ các kiến thức đầu tư từ cơ bản đến nâng cao. Chúc các bạn thành công!

Bảng xếp hạng sàn giao dịch
Đánh giá

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X
Maps Maps Messenger Messenger Zalo Zalo Zalo Phone