Thị trường Vàng bắt đầu giảm mạnh khi chờ quyết định tăng lãi suất của Fed

Chia sẻ

Cập Nhật Tin Tức Thị Trường 22/03/2023

Vàng thế giới giảm do lo ngại Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh S&P500 vượt mốc 4000 điểm, Dầu tiếp tục tăng khi khủng hoảng ngân hàng ngày càng được dịu bớt? Trong bài viết này đội ngũ TRADERPTKT.COM chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những cập nhật mới nhất về tình hình thị trường Forex, Vàng, Oil, Kim loại, Tin tức về ngân hàng Quốc Tế.

1. Vàng thế giới giảm hơn 1% chờ quyết định lãi suất của Fed

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1.3% xuống 1,952.55 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai giảm tương tự xuống 1,956.50 USD/oz.

Giá vàng đã đặt 2,009.59 USD/oz vào ngày thứ Hai (20/3), mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 nhưng đã giảm từ đó.

Vàng thế giới giảm hơn 1% chờ quyết định lãi suất của Fed

Fed bắt đầu cuộc họp chính sách 2 ngày vào ngày thứ Ba, với một số nhà quan sát hàng đầu nói rằng Fed có thể tạm dừng các đợt nâng lãi suất tiếp theo.

Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Thị trường muốn nghe những điều họ nói, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nói gì về những điều đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng và các cách để đối phó với điều đó, rất có thể là bằng cách giảm tốc độ nâng lãi suất”.“Có một số nghi ngờ về những gì ông Powell sẽ nói. Đó là lý do vì sao giá vàng thấp hơn, với một số hoạt động chốt lời cũng là nguyên nhân”, ông Haberkorn nói thêm.

>> Khóa học nến Heiken Ashi

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường đang định giá khả năng 18% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất và 82% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. Trong khi, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức cao nhất trong phiên.Vàng đã tăng hơn 100 USD sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank vào đầu tháng này.

Các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall mở phiên với sắc xanh khi cuộc giải cứu Credit Suisse làm dịu bớt căng thẳng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn hơn.Lượng nắm giữ của quỹ ETF giao dịch bằng vàng SPDR Gold Trust đã ghi nhận dòng vốn đổ vào liên tục.

Vàng trong nước

Vàng miếng SJC sáng 22.3 giảm giá 200.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào với giá 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào với giá 66,1 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng/lượng… Vàng nữ trang 4 số 9 cũng giảm nhanh về 53,9 triệu đồng, bán ra 54,8 triệu đồng/lượng. Chỉ trong mấy ngày qua, giá vàng nữ trang đã giảm 1,3 triệu đồng/lượng và “rẻ” hơn thế giới gần 900.000 đồng. Ngược lại, vàng miếng SJC giảm chậm nên tăng mức cao hơn quốc tế lên gần 11,4 triệu đồng/lượng.

2. Dầu tăng 1% khi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng dịu bớt

Sau những biến động ban đầu vào ngày thứ Hai (20/3), tâm lý trên các thị trường tài chính đã được cải thiện sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse và sau khi các ngân hàng trung ương lớn cho biết sẽ tăng cường thanh khoản thị trường và hỗ trợ hệ thống ngân hàng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 70 xu (tương đương 0.95%) lên 74.49 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 81 xu (tương đương 1.20%) lên 68.45 USD/thùng.

Stephen Brennock của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Mặc dù một cuộc khủng hoảng trước mắt dường như đã được ngăn chặn, nhưng vẫn còn có những lo ngại về một đợt bán tháo khác”.

Trọng tâm chú ý tiếp theo của nhà đầu tư là quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào ngày thứ Tư (22/3) về việc liệu có nâng lãi suất hay không và nâng bao nhiêu khi cơ quan này kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày.

Kể từ khi xuất hiện khủng hoảng ngân hàng vào đầu tháng này, thị trường đã điều chỉnh giảm kỳ vọng về mức nâng lãi suất của Fed từ 50 điểm cơ bản xuống còn 25 điểm cơ bản.

Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng vào ngày thứ Ba sau khi chạm mức đáy 5 tuần trong phiên trước đó. Đồng USD mạnh hơn làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và do đó có thể làm giảm nhu cầu.

Cuộc họp của các bộ trưởng chủ chốt của OPEC+, bao gồm các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và các đồng minh khác, dự kiến diễn ra vào ngày 03/4. Các nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng việc giảm giá dầu phản ánh lo ngại về ngành ngân hàng, thay vì mất cân bằng cung cầu.

3. S&P 500 tăng hơn 1%, và vượt mốc 4000 điểm

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones tăng 316.02 điểm (tương đương 0.98%) lên 32,560.60 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1.30% lên 4,002.87 điểm, lần đầu tiên khép phiên trên mốc 4,000 điểm kể từ ngày 06/3/2023. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.58% lên 11,860.11 điểm.

S&P 500 tăng hơn 1%, và vượt mốc 4000 điểm

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực nhảy vọt vào ngày thứ Ba, dẫn đầu là đà tăng của cổ phiếu First Republic. Cổ phiếu First Republic đã bứt phá gần 30%, một ngày sau khi lao dốc 47%. Chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF vọt gần 6%. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực được hỗ trợ sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết vào buổi sáng thứ Ba rằng Chính phủ sẵn sàng cung cấp thêm đảm bảo tiền gửi nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng trở nên tồi tệ hơn.

Phố Wall đang chờ đợi thông báo của Fed về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ vào chiều ngày 22/3. Nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng tốc độ thắt đặt chậm hơn từ Fed do cuộc khủng hoảng ngân hàng. Theo công cụ FedWatch của CME Group, nhà đầu tư hiện đang định giá khả năng 86% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp vào ngày 22/3, xác suất cho khả năng tạm dừng nâng lãi suất là 13.6%.

Johan Grahn, Trưởng bộ phận chiến lược ETF tại Allianz Investment Management, nhận định: “Nếu Fed tạm ngừng nâng lãi suất, điều đó cũng giống như thừa nhận rằng họ biết điều gì đó mà có thể thị trường không biết. Tôi nghĩ đó sẽ là ý tưởng tồi tệ đối với họ”.

Ông Grahn cũng nói thêm rằng biến động thị trường sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và cuộc khủng hoảng của Credit Suisse là “một phản ứng tức thời rất tự nhiên của nhà đầu tư để hướng đến sự an toàn ngay lập tức”.

4. Giá thép ngày 22/3: Giảm trên sàn giao dịch

Giá thép giảm 39 Nhân dân tệ trên sàn giao dịch

Giá thép hôm nay giao kỳ hạn tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 39 Nhân dân tệ, xuống mức 4.119 Nhân dân tệ/tấn.

Giá thép giao kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm 35 nhân dân tệ, xuống mức 4.030 Nhân dân tệ/tấn.

Nhóm cổ phiếu ngành thép ghi nhận dấu hiệu hồi phục

Theo Trading Economics, từ ngày 1/11/2022 đến 14/3/2023, giá thép thanh vằn tăng 24,2%, từ 3.487 CNY/tấn lên 4.330 CNY/tấn (đỉnh trước đó là 5.900 CNY/tấn), còn giá thép cán nóng (HRC) tăng 80%, từ 709 USD/tấn lên 1.276 USD/tấn (đỉnh trước đó là 1.942 USD/tấn).

Như vậy, sau khi liên tục giảm mạnh từ cuối năm 2021, giá thép có diễn biến tăng trong những tháng gần đây, nhất là giai đoạn đầu năm 2023. Đây là tín hiệu tốt cho các công ty sản xuất thép trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Giá thép thế giới hồi phục một phần do Trung Quốc không còn thực hiện chiến lược Zero Covid, kỳ vọng nhu cầu xây dựng sẽ quay trở lại tại quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới này.

Với việc giá thép đang trên đà hồi phục, nhà đầu tư kỳ vọng, doanh nghiệp thép sẽ hưởng lợi, bởi vì tồn kho giá thấp đã được trích lập trong giai đoạn trước đó. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm 2022, do ảnh hưởng bởi giá thép liên tục lao dốc, đa số doanh nghiệp thép ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, phải đẩy mạnh trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.

Đón nhận các tín hiệu tích cực, nhóm cổ phiếu thép có mức tăng cao so với thị trường chung.Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen cho biết, thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua đi, Công ty hết tồn kho giá cao, hiện chỉ còn tồn kho giá thấp.

Giá thép trong nước vượt ngưỡng 17 triệu đồng/tấn

Thép Pomina mới đây điều chỉnh giá bán tăng hơn 1 triệu đồng/tấn, đưa giá thép xây dựng của thương hiệu này lên gần 17,5 triệu đồng/tấn.

Theo đó, mức giá mới của thép cuộn Pomina tại khu vực miền Trung loại phi 10 lên 17,6-17,8 triệu đồng/tấn, tùy tiêu chuẩn; phi 12 từ 17,29-17,49 triệu đồng/tấn. Còn tại khu vực miền Nam cũng tăng 810.000 đồng/tấn, lên 17,08-17,49 triệu đồng/tấn, tùy loại.

Các công ty thép khác như Vina Kyoei, Thép Miền Nam đều vượt 16 triệu đồng/tấn. Theo đó thép Vina Kyoei, Thép Miền Nam loại phi 10 có cùng giá bán từ 16,24-16,44 triệu đồng/tấn. Các hãng thép khác như Hòa Phát, Việt – Ý, Thái Nguyên… cũng có giá bán ra gần 16 triệu đồng/tấn.

Với mức giá trên được xuất bán tại các nhà máy, còn giá bán lẻ tại cửa hàng sẽ đội thêm vài triệu đồng/tấn, chủ yếu là phí vận chuyển từ nhà máy đến nơi tiêu thụ. Theo đó, giá thép bán lẻ của Vina Kyoei, Thép Miền Nam hiện tại đã vượt hơn 18,2 triệu đồng/tấn; giá thép của các hãng khác từ 17-17,5 triệu đồng/tấn. Riêng giá thép của Pomina lên tới gần 19 triệu đồng/tấn.

5. Cập nhật tin tức về Fed

Những điều cần biết trước quyết định lãi suất được cả thế giới ngóng chờ của FED

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đối mặt với lựa chọn tăng hay dừng tăng lãi suất trong một bối cảnh có thể mô tả là “hỗn loạn” với thị trường tài chính toàn cầu.
Mọi con mắt trong giới tài chính và kinh tế đều đang đổ dồn về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nơi Chủ tịch Jerome Powell đang cố cân bằng giữa cuộc chiến chống lạm phát và những biến cố bất ngờ trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Powell và các đồng nghiệp hiện đang bắt đầu cuộc họp lãi suất kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ 21/3. Trong khi hầu hết các nhà kinh tế hy vọng lãi suất sẽ chỉ tăng 0,25% trong lần điều chỉnh này, một số người khác cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên dừng tăng nhằm củng cố sự ổn định tài chính.

Derek Tang, một nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics ở Washington, cho rằng: “Sự căng thẳng hiện tại dẫn đến những nỗi lo hiện hữu. Liệu FED đã đi quá xa hay chưa đủ? Cả hai đều có thể đúng ở cùng một thời điểm”.

Một yếu tố quan trọng khác của cuộc họp tuần này: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ lần đầu tiên đưa ra dự báo lãi suất cuối kỳ kể từ tháng 12, yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư xác định xem khi nào kết thúc chu kỳ tăng lãi hiện nay”.

Quyết định cuối cùng kèm với dự báo lãi suất cuối kỳ sẽ được đưa ra lúc 14h ngày 22/3 theo giờ Washington. Ông Powel sẽ tổ chức họp báo sau đó 30 phút.

Tính đến chiều 21/3, 80% thị trường tin rằng FED sẽ tăng lãi suất 0,25%, lên mức 4,75 đến 5%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2007 trước khi đảo chiều do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, không ai biết đây đã phải mức lãi suất cuối kỳ hay chưa. Sự không chắc chắn từ đại dịch cộng với hàng loạt gói kích thích kinh tế đã khiến việc ghìm cương lạm phát của FED trở nên khó khăn.

Dẫu vậy, kỳ vọng về việc FED tăng lãi suất đã giảm trong 2 tuần qua, khi nhiều ngân hàng Mỹ bất ngờ sụp đổ còn Credit Suisse của Thụy Sĩ phải bán mình cho UBS. Trước những biến cố này, nhiều người tin rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt đà tăng của hàng hóa.

Jonathan Millar, nhà kinh tế cấp cao tại Barclays Plc ở New York, cho rằng: “Khó khăn của FOMC tại cuộc họp này sẽ là hạ nhiệt lạm phát và giảm rủi ro với sự ổn định tài chính.

“Không có lựa chọn nào dễ dàng. Việc ngừng tăng lãi suất có thể báo hiệu FED không tin tưởng vào khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng hoặc nền kinh tế hay làm dấy lên nghi ngờ còn những điều vẫn nằm trong góc khuất mà công chúng chưa thực sự thấy. Trong khi đó, tăng lãi suất sẽ gây thêm căng thẳng cho lĩnh vực ngân hàng và khiến các nhà đầu tư hoảng sợ”, Anna Wong, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Mỹ của Bloomberg Economics, cho biết.

Hồi đầu tháng 3, ông Powell nói rằng FED có thể tăng lãi suất cuối kỳ cao hơn dự kiến, có thể vượt dự báo 5,1% mà nhiều quan chức FED đưa ra. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, nếu kéo dài, sẽ cho thấy không cần tăng lãi thêm nữa.

Thị trường cũng dự đoán tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sau cuộc họp lãi suất sẽ thay đổi đáng kể về mặt ngôn từ. Cam kết tiếp tục tăng có thể sẽ được thay thế bằng những ngôn ngữ mềm mỏng hơn.

Fed đứng trước những sự kiện bất ngờ

Quyết định về việc có nên tăng lãi suất thêm 0,25% hay không có khả năng phụ thuộc một phần vào cách thị trường tiếp nhận thương vụ của 2 gã khổng lồ là UBS và Credit Suisse, cùng với đó là những động thái giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Trong năm qua, Fed đã nỗ lực thông báo về các động thái điều chỉnh lãi suất của mình để tránh những bất ngờ và giảm biến động cho thị trường. Trước đây, họ chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đột ngột vào đúng thời điểm trước cuộc họp. Hôm 20/3, thị trường dự đoán Fed có thể vẫn tăng lãi suất với 0,25%, theo CME Group.

Một số quan chức NHTW cho rằng hoạt động cho vay và các điều kiện tài chính khác có thể là rủi ro lớn hơn so với việc thắt chặt do “cú sốc” trong ngành ngân hàng. Số khác thì lại coi tác động của những sự kiện này chỉ là tạm thời hoặc không quá lớn. Nhóm này có thể ủng hộ việc Fed lại tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.

William English – cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Fed, hiện là giáo sư tại Trường Quản lý thuộc Đại học Yale, cho hay: “Đây sẽ là một quyết định khó khăn vì có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.”

Việc tăng lãi suất của Fed nhằm mục đích kìm cương lạm phát, hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách thắt chặt điều kiện tài chính. Động thái này có thể nhấn mạnh cam kết của Fed với mục tiêu chống lại áp lực giá cả, dù rủi ro suy thoái được nhiều người cảnh báo. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là thị trường sẽ trải qua biến động mạnh hơn, cuộc suy thoái cũng căng thẳng hơn và có thể Fed sẽ phải can thiệp nhiều hơn nếu tính toán sai.

2 tuần trước, ông Powell tiết lộ rằng các quan chức sẽ tranh luận về việc nên tăng lãi suất thêm 0,25% hay 0,5% sau khi báo cáo thị trường lao động, chi tiêu và lạm phát được công bố. Sau đó, SVB sụp đổ vào ngày 10/3 và nhanh chóng được các cơ quan quản lý liên bang vào cuộc, đảm bảo cho các khoản tiền gửi không có bảo hiểm của khách hàng.( Theo Nhịp Sống Thị Trường)

Song, vẫn chưa biết liệu những bước đi như vậy có thể ngăn chặn những mối lo ngại lớn hơn về “sức khoẻ” của các ngân hàng khu vực khác ở Mỹ hay không, khi cổ phiếu First Republic Bank đã giảm hơn 80% trong tháng này.

Những sự kiện gây chấn động ngành ngân hàng có thể khiến hoạt động cho vay sẽ được thắt chặt, ngay cả trong trường hợp cuộc khủng hoảng không trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân là bởi các bên cho vay cho vay sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn bởi các cơ quan chức năng và chính nhóm lãnh đạo của họ để giảm thiểu rủi ro.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay sẽ tương đương với việc Fed tăng lãi suất 0,25% hoặc 0,5%.

Trên đây là những cập nhật tin tức mới nhất ảnh hưởng tác động đến thị trường Forex, Vàng, Tiền điện tử và Chứng khoán,… được đội ngũ TRADERPTKT.COM chia sẻ đến bạn đọc. Mọi tin tức đều khiến thị trường có thể thay đổi đột ngột, các bạn tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại cần thận trọng. Nên có cái nhìn dài hạn hơn về thị trường, điều này sẽ giúp bạn hạn chế bớt rủi do trong quá trình đầu tư.

Mong bài viết này có thể giúp bạn tham khảo phần nào, chúc các bạn một ngày tốt lành, giao dịch tốt và có nhiều lợi nhuận!

Đánh giá

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X
Maps Maps Messenger Messenger Zalo Zalo Zalo Phone