Vàng giảm trước cuộc họp của Fed, Cung ngoại tệ tăng mạnh, liệu cung tiền sẽ được nới lỏng?

Chia sẻ

Cập Nhật Tin Tức Thị Trường 13/06/2023

Vàng thế giới giảm nhẹ trước thềm cuộc họp của Fed, Dầu giảm 4% do lo ngại về nhu cầu,  Cung ngoại tệ tăng mạnh, liệu cung tiền sẽ được nới lỏng?Vàng thế giới giảm nhẹ trước thềm cuộc họp của Fed Trong bài viết này đội ngũ TRADERPTKT.COM chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những cập nhật mới nhất về tình hình thị trường Forex, Vàng, , Oil, Chứng Khoán, tin, Tin Tức Trong Nước Tin Tức Kinh Tế Mỹ.

1. Vàng thế giới giảm nhẹ trước thềm cuộc họp của Fed

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0.14% xuống 1,957.65 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.4% còn 1,969.70 USD/oz.

Vàng thế giới giảm nhẹ trước thềm cuộc họp của Fed

Chỉ số đồng USD tiến 0.12%, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng khiến kim loại không đem lại lợi suất trở nên kém hấp dẫn hơn. Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Vàng bước vào tuần này gần giống như việc tung đồng xu”. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 của Mỹ dự kiến công bố vào sáng ngày thứ Ba (13/06), với chỉ số giá sản xuất PPI công bố vào sáng ngày thứ Tư (14/06), trước khi Fed công bố quyết định lãi suất vào cuối ngày 14/06.

>> Khóa học Nến Heiken Ashi

“Thực tế là nếu chúng ta ngừng nâng lãi suất sẽ đẩy giá vàng tăng bất chấp nhận định ‘diều hâu’ của Fed”, ông Haberkorn nói. Thị trường hiện dự báo khả năng 76% Fed sẽ giữ lãi suất không đổi, và khả năng 71% Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 7, theo công cụ Fedwatch của CME. Vàng đang giao dịch với kỳ vọng rằng lãi suất Mỹ sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại và bất kỳ động thái nâng lãi suất nào sẽ khiến kim loại quý lao dốc xuống mức 1,900 USD/oz.

2. Dầu giảm 4% do lo ngại về nhu cầu

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 2.95 USD (tương đương 3.9%) xuống 71.84 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Hợp đồng dầu WTI mất 3.05 USD (tương đương 4.4%) xuống 67.12 USD/thùng.

Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu vào 11/06, với lý do nguồn cung cao hơn dự báo vào cuối năm nay và đến năm 2024. Dự báo giá dầu thô tháng 12 của ngân hàng này hiện ở mức 86 USD/thùng đối với dầu Brent, giảm từ mức 95 USD/thùng, và ở mức 81 USD/thùng đới với dầu WTI, giảm so với mức 89 USD/thùng dự báo trước đó.

Chuyên gia phân tích Matt Smith của Kpler cho biết: “Việc Goldman dự báo giá dầu tăng dường như là yếu tố kích thích động thái bán ra trong ngày hôm nay”.

Động thái điều chỉnh trên thị trường diễn ra vào đầu một tuần bận rộn với việc Fed sẽ nhóm họp vào ngày 14/06. Trong khi Fed được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất không đổi trong tháng này, nhà đầu tư lo ngại rằng việc nâng lãi suất có thể sẽ tiếp tục vào tháng tới. Fed nâng lãi suất sẽ củng cố đồng USD, làm hàng hoá neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và gây áp lực cho giá dầu. Cũng gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư, đà phục hồi nhu cầu dầu khá im ắng ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế hàng đầu thế giới. FILI

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ công bố bản cập nhật thị trường định kỳ hàng tháng vào ngày 13/06. Tuần trước, cả dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp, sau khi dữ liệu kinh tế gây thất vọng của Trung Quốc xoá đi động lực tăng giá từ cam kết cắt giảm sản lượng trong tháng 7 của Ả-rập Xê-út.

3. S&P 500 lên cao nhất kể từ tháng 4/2022

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 tiến 0.93% lên 4,338.93 điểm, với đà tăng ổn định trong cả phiên. Chỉ số này đã vượt qua mức đỉnh từ tháng 8/2022 và đạt mức đỉnh trong phiên, đồng thời khép phiên tại mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 4/2022. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.53% lên 13,461.92 điểm, cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Chỉ số Dow Jones tăng 189.55 điểm (tương đương 0.56%) lên 34,066.33 điểm.

S&P 500 lên cao nhất kể từ tháng 4/2022

Thị trường đã kỳ vọng rằng Fed sẽ bỏ qua việc nâng lãi suất trong cuộc họp tuần này, với nhà đầu tư dự báo khả năng khoảng 72% sẽ không có quyết định nâng lãi suất nào, theo công cụ FedWatch của CME Group. Fed đã nâng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách mới nhất này vào tháng 3/2022. Dữ liệu lạm phát vào ngày thứ Ba (13/06) có thể giúp củng cố lập trường rằng lạm phát đang suy giảm, khi các chuyên gia kinh tế kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng CPI cho thấy lạm phát giảm xuống mức 4% trong tháng 4, giảm so với mức 4.9% trong tháng trước.

Theo Giám đốc đầu tư của Certuity, Dylan Kremer, ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ quyết định bỏ qua đợt nâng lãi suất vào tháng 6, nhưng Fed có thể chưa hoàn thành việc nâng lãi suất nói chung. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường là các quan chức Fed sẽ nhấn mạnh cam kết kiềm chế lạm phát và quay trở lại nâng lãi suất lần cuối cùng tại cuộc họp tháng 7 trước khi tiếp tục giữ lãi suất không đổi trong thời gian còn lại của năm.

S&P 500 vào tuần trước đã đạt một cột mốc quan trọng, bứt phá hơn 20% so với mức đáy tháng 10/2022. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư dự báo thị trường giá xuống đã kết thúc. Chỉ số này có chuỗi tăng hơi nóng, leo dốc 4 tuần liên tiếp. Nasdaq Composite thậm chí còn tăng mạnh hơn, vọt 33% so với mức đáy 52 tuần. Nasdaq Composite và các cổ phiếu công nghệ vẫn dẫn đầu đà tăng thị trường trong ngày thứ Hai, với cổ phiếu Amazon và Tesla đều tăng hơn 2%.

4. Cung ngoại tệ tăng mạnh, liệu cung tiền sẽ được nới lỏng

Ngoại tệ dồi dào

9,8 tỉ đô la Mỹ là giá trị thặng dư thương mại hàng hóa trong năm tháng đầu năm 2023, gấp nhiều lần so với mức 0,24 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỉ đô la; ngược lại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu lên đến 18,56 tỉ đô la. Dù tổng kim ngạch thương mại sụt giảm so với cùng kỳ gây ra không ít lo ngại, nhưng với nhập khẩu giảm nhanh hơn đã giúp nền kinh tế ghi nhận xuất siêu lớn và tác động tích cực đến thị trường ngoại hối.

Cung ngoại tệ tăng mạnh, liệu cung tiền sẽ được nới lỏng

Nguồn cung ngoại tệ trong nước còn đón nhận 10,86 tỉ đô la ở hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cũng ổn định trở lại ở mức 7,65 tỉ đô la. Như vậy, chỉ tính riêng hoạt động thương mại và đầu tư đã mang về 28,31 tỉ đô la trong năm tháng qua, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Đó là chưa nói đến hoạt động du lịch và kiều hối đang tiếp tục phục hồi, khởi sắc trở lại, cũng đóng góp một lượng ngoại tệ quan trọng cho Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính chung năm tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu về kiều hối tuy được công bố hạn hẹp hơn nhưng các báo cáo cho thấy riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong quí 1-2023 đạt trên 2,1 tỉ đô la, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước và dự báo lượng kiều hối về thành phố có thể đạt 7 tỉ đô la trong năm 2023, tăng khoảng 6-7% so với năm 2022.

Đó là bức tranh khá tươi sáng về nguồn cung ngoại tệ trong năm tháng vừa qua, góp phần hóa giải những áp lực tỷ giá và nguy cơ tiếp tục sụt giảm dự trữ ngoại hối như năm 2022. Theo dữ liệu từ trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cán cân vãng lai lũy kế năm 2022 (bao gồm cán cân thương mại hàng hóa, dịch vụ, thu nhập và các chuyển khoản) chỉ thâm hụt hơn 1 tỉ đô la, nhưng cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt hơn 22,7 tỉ đô la, tương ứng với lượng dự trữ ngoại hối sụt giảm khi nhà điều hành buộc phải ra tay bơm ngoại tệ để can thiệp và ổn định thị trường ngoại hối, giảm sức ép lên tỷ giá.

Đây có lẽ cũng là yếu tố khiến thanh khoản tiền đồng trở nên bị thiếu hụt, đẩy lãi suất tiền đồng tăng vọt trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh những ảnh hưởng từ e ngại lạm phát leo thang, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và sự cố ở một vài điểm trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, có thể tạo điều kiện cho nhà điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.

Và việc nới lỏng cung tiền

Về cơ bản, để thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, NHNN có thể sử dụng các công cụ sau: (i) tăng cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng thương mại; (ii) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; (iii) bơm tiền trên thị trường mở; (iv) giảm lãi suất điều hành; (v) tăng hạn mức tín dụng và cuối cùng là chính sách tỷ giá hối đoái.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có đến ba lần giảm lãi suất điều hành, gồm các loại lãi suất như tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng và trần lãi suất c ho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Với công cụ cho vay tái cấp vốn, nhiều năm qua NHNN ít khi sử dụng đến giải pháp này. Trong khi đó, đối tượng cần tiếp cận nguồn thanh khoản qua kênh hỗ trợ này cũng có những hạn chế nhất định, thường chỉ là các ngân hàng thương mại gốc nhà nước, nhưng nhóm này lại luôn ở trạng thái thanh khoản dồi dào và luôn là người cho vay chính trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, lượng tiền bơm qua kênh tái cấp vốn nếu có cũng không đáng kể.

Với công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cũng gần như không được NHNN sử dụng trong hơn 11 năm qua. Thực tế, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay của Việt Nam rất thấp đối với tiền đồng, cụ thể là 3% đối với tiền gửi dưới 12 tháng và 1% đối với tiền gửi trên 12 tháng, nên dư địa nếu muốn giảm thêm là không nhiều. Vì vậy, công cụ này có lẽ cũng không phù hợp.

Về việc tăng hạn mức tín dụng, câu chuyện hiện nay lại nằm ở khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế và niềm tin vào triển vọng kinh tế trong tương lai. Bên cạnh những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, hoặc phải thu hẹp hoạt động nên không có nhu cầu vay, còn có những doanh nghiệp, cá nhân bi quan với xu thế sắp tới nên thắt chặt các hoạt động đầu tư.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay được xác định từ 14-15%. Con số này không hề thấp nếu dựa trên quy mô tín dụng trong nền kinh tế đã lên tới hơn 11,9 triệu tỉ đồng, tức số tuyệt đối tín dụng tăng thêm theo kế hoạch năm nay có thể lên tới gần 1,7-1,8 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây từ đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng năm tháng qua chỉ mới đạt 3,15% và nhiều ngân hàng còn dư địa cho vay rất lớn theo hạn mức đã được nhận.

Do đó, công cụ phù hợp nhất để nới lỏng cung tiền có lẽ vẫn là qua kênh thị trường mở và sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt để tiếp tục mua ròng ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bơm lượng lớn tiền đồng tương ứng. Thực tế đây cũng là công cụ mà NHNN đang sử dụng tích cực từ đầu năm đến nay, khi công bố gần nhất cho thấy NHNN đã mua vào 6 tỉ đô la từ đầu năm đến nay.

Nếu so với con số 28,31 tỉ đô la đã nói ở trên, lượng mua vào 6 tỉ đô la thời gian qua là khá khiêm tốn. Do đó, NHNN có lẽ sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ để bơm thêm tiền đồng trong những tháng tới, song song với việc sử dụng chính sách hối đoái linh hoạt và phù hợp hơn để hỗ trợ cho kế hoạch tiếp tục mua vào này.

Thực tế, dù giá bán ra và tỷ giá trung tâm vẫn đang cao hơn so với đầu năm nay, nhưng vào ngày 29-5 vừa qua, NHNN đã giảm 50 đồng ở giá mua vào đô la Mỹ, về mức 23.400 đồng. Quay lại thời điểm giữa tháng 12 năm trước, khi NHNN bất ngờ nâng giá mua vào đô la Mỹ lên đến 900 đồng, thì sẽ thấy việc giảm giá mua vào mới đây cho biết nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào như thế nào.

Thật ra chính sách mua ngoại tệ những năm trước đây đã góp phần không nhỏ lên việc ổn định lãi suất, với điều kiện tỷ giá cũng được giữ ổn định. Cũng trong những giai đoạn đó, để hạn chế lượng cung tiền đồng tăng quá nhanh, NHNN thường trung hòa bớt qua kênh thị trường mở và phát hành tín phiếu.

Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, với dòng tiền trong nền kinh tế tại một số khu vực vẫn đang bị tắc nghẽn, thì bên cạnh động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp gần đây, NHNN có thể tận dụng nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào để tăng cường mua ngoại tệ, nhưng có lẽ cũng không nên siết chặt quá mạnh trên thị trường mở bằng cách hút tiền về, dựa trên những cân nhắc về áp lực lạm phát đang suy yếu dần

Trên đây là những cập nhật tin tức mới nhất ảnh hưởng tác động đến thị trường Forex, Vàng, Tiền điện tử và Chứng khoán,… được đội ngũ TRADERPTKT.COM chia sẻ đến bạn đọc. Mọi tin tức đều khiến thị trường có thể thay đổi đột ngột, các bạn tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại cần thận trọng. Nên có cái nhìn dài hạn hơn về thị trường, điều này sẽ giúp bạn hạn chế bớt rủi do trong quá trình đầu tư.

Mong bài viết này có thể giúp bạn tham khảo phần nào, chúc các bạn một ngày tốt lành, giao dịch tốt và có nhiều lợi nhuận!

Đánh giá

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X
Maps Maps Messenger Messenger Zalo Zalo Zalo Phone