Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới?

Chia sẻ

Cập Nhật Tin Tức Thị Trường 10/04/2023

Đồng USD được các chuyên gia dự đoán sẽ giảm trong 10 năm tới, Các nhà đầu tư đang coi thị trường châu Á là nơi đầu tư an toàn trong khủng hoảng kinh tế, việc hạ lãi suất của Việt Nam lúc này có mạo hiểm hay không? Trong bài viết này đội ngũ TRADERPTKT.COM chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những cập nhật mới nhất về tình hình thị trường Forex, Vàng, Tin Tức Về Ngân Hàng Quốc Tế, Kinh Tế Việt Nam, Tin Tức Kinh Tế Mỹ.

1. Chuyên gia: Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới

Jeffrey Sachs, giáo sư kinh tế đồng thời là giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tại trường Đại học Columbia (Mỹ) ngày 7/4 nhận xét trong 10 năm tới, đồng USD sẽ đóng ít vai trò chi phối hơn so với hiện nay do thị phần của nền kinh tế Mỹ trên thế giới ngày càng nhỏ hơn, đồng USD được vũ khí hóa và việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới

Theo ông Jeffrey Sachs, thị phần của Mỹ trong nền kinh tế thế giới sẽ ít hơn và vai trò của đồng USD sẽ tự nhiên giảm đi, bởi sự phát triển của các đồng tiền mạnh khác.

Ông Sachs cũng lưu ý hệ thống thanh toán quốc tế hiện dựa trên đồng USD, trong đó có tới 50-60% giao dịch thanh toán quốc tế là bằng đồng USD hoặc dựa trên đồng USD, và khoảng 50% dự trữ quốc tế dựa trên đồng USD.

Ông Sachs nói thêm thị phần mua hàng của Mỹ trong nền kinh tế thế giới vào khoảng 15%, do đó vai trò của đồng USD lớn hơn nhiều so với vai trò của nền kinh tế Mỹ, và mang tính chất lịch sử. Vai trò của đồng USD phản ánh sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là trong thế kỷ 20.

Ông Sachs cho biết khi đồng USD đã trở thành “vũ khí” chính trị của Mỹ trong chính sách dự trữ ngoại hối với nhiều nước trong đó có Nga, Venezuela, Iran và nhiều quốc gia không muốn giữ tiền bằng đồng USD nữa.

Nguyên nhân là do những lo ngại liên quan đến việc Mỹ sẽ tịch thu tiền tệ của họ, đặc biệt nếu họ có bất đồng chính sách đối ngoại nào đó với Mỹ.

Hơn nữa, vai trò của đồng USD chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại dựa trên đồng USD vì các khoản thanh toán phần lớn được giải quyết thông qua các ngân hàng thương mại.

>> Khóa học Nến Heiken Ashi

Ông Sachs cho biết trong tương lai, các khoản thanh toán này sẽ được giải quyết thông qua các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, hiện đang được thử nghiệm ở cấp độ bán lẻ tại Trung Quốc, có thể sẽ trở thành một phương thức thanh toán của hệ thống thanh toán quốc tế.

Trong tháng qua, Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Nam Phi đều đang tìm kiếm các phương thức thanh toán thay thế vì họ không muốn sử dụng hệ thống ngân hàng bằng USD.

Ông Sachs cho biết vai trò của đồng USD sẽ giảm đi và vai trò của đồng nhân dân tệ, đồng rupee, đồng rouble và các loại tiền tệ khác sẽ tăng lên trong tương lai.

2. Tiền đổ vào châu Á sau loạt khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

Một phân tích của Citibank về các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy thị trường tài chính châu Á bị thắt chặt ít hơn Mỹ, và hầu hết đồng tiền châu Á đều tăng giá so với đồng USD. Chỉ số cổ phiếu tài chính của khu vực, ngoại trừ Nhật Bản, đã tăng kể từ ngày 10/03, ngày Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, trái ngược với mức giảm gần 10% của chỉ số theo dõi cổ phiếu ngân hàng Mỹ trong cùng thời điểm.

Johanna Chua, Giám đốc điều hành kiêm giám đốc phân tích thị trường và kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Citi, cho biết: “Chúng tôi cho rằng châu Á vẫn được ‘cách ly’ tương đối tốt. Việc giảm tập trung vào Mỹ có nghĩa là đồng USD sẽ đi xuống, và điều này hỗ trợ nhiều hơn cho dòng vốn ở châu Á”.

Các nhà kinh tế cho rằng một yếu tố có lợi cho châu Á – Thái Bình Dương là chính sách tiền tệ nhìn chung mềm dẻo hơn. Các ngân hàng trung ương ở Australia, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ nằm trong số những ngân hàng đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt. Trung Quốc, với chính sách nới lỏng tiền tệ và đã mở cửa trở lại sau COVID-19, đang là điểm thu hút hàng đầu đối với các nhà đầu tư.

Điều đó được phản ánh qua dòng vốn 5.5 tỷ USD đã chảy vào các quỹ đầu tư của thị trường mới nổi trong 4 tuần tính đến cuối tháng 03/2023, mà dẫn đầu là khu vực châu Á, theo số liệu từ TD Securities, trích dẫn dữ liệu của EPFR Global. Hơn 70% dòng tiền đó được chuyển đến Trung Quốc. Ngược lại, cổ phiếu của các thị trường phát triển bị rút ròng 8.6 tỷ USD, trong đó Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Giới đầu tư vẫn đang xem các thị trường mới nổi ở châu Á là khu vực được hưởng lợi nhất, tiếp theo là châu Âu và sau đó có lẽ là Mỹ”, David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Invesco Asset Management, nói với Bloomberg Radio vào ngày 04/04. “ Nếu bạn nghĩ Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất, điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi ở châu Á”.

Việc Fed chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất có thể hỗ trợ châu Á bằng cách giảm bớt áp lực từ đà tăng giá của đồng USD lên nguồn tài chính bên ngoài, cũng như làm giảm sức hấp dẫn của đồng bạc xanh với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn.

3. Giảm phiên đầu tuần, giá vàng SJC tuột mốc 67 triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng SJC và thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tại các doanh nghiệp trong nước cùng đi xuống phiên mở cửa đầu tuần mới (10/4).

Theo đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh từ 66,35-66,95 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Tương tự, tại Hà Nội và Đà Nẵng, doanh nghiệp này thông báo giá mua và bán vàng SJC từ 66,35-66,97 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm trên, Công ty Doji Hà Nội niêm yết giá vàng SJC từ 66,35-66,95 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng, trong khi Công ty Phú Quý thông báo giá vàng SJC từ 66,35-67,0 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng.

Nhìn lại tuần trước, với 3 phiên tăng giá và 3 phiên đi xuống, sau một tuần giao dịch, thương hiệu SJC cộng thêm 160.000 đồng mỗi lượng. Chênh lệch chiều mua vào/bán ra phổ biến quanh 700.000 đồng/lượng.

Sáng nay, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 55,21-56,16 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng. Tuy vậy, trong tuần trước, thương hiệu này tăng tổng cộng 590.000 đồng/lượng.Ở mức giá hiện tại, giá vàng Rồng Thăng Long tiếp tục thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 10,8 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 1.995 USD/ounce, giảm khoảng 4 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước. Sau khi quy đổi, giá vàng thế giới tương đương 56,77 triệu đồng/lượng.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm áp dụng ngày hôm nay là 23.600 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên trước.Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietcombank và Vietinbank cùng thông báo giá mua vào là 23.280 đồng/USD và bán ra là 23.620 đồng/USD, giữ ổn định.

Tương tự, Ngân hàng BIDV áp dụng tỷ giá từ 23.300-23.600 đồng/USD, không đổi. Ngân hàng Agribank thông báo từ 23.250-23.605 đồng/USD, tăng 10 đồng so với chốt phiên trước.

4. Việt Nam có mạo hiểm khi hạ lãi suất lúc này?

Đánh đổi giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng

Kể từ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 3-2022 để khởi động cuộc chiến chống lạm phát thì rất nhiều nền kinh tế trên thế giới bị đặt vào tình huống phải lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát. Và nhiều nước trong số này đã ưu tiên cho việc kiểm soát lạm phát hơn.

Mặc dù kiểm soát lạm phát cũng là một trong những mục tiêu ổn định vĩ mô quan trọng của Việt Nam, nhưng áp lực lạm phát của Việt Nam không lớn như nhiều nền kinh tế khác. Lạm phát mục tiêu của Việt Nam trong năm 2022 là 4% và Việt Nam là một trong số hiếm hoi nền kinh tế giữ được lạm phát sát với mục tiêu.

Trong số các lý do, có thể nhắc đến đầu tiên là cấu phần của rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số lạm phát. Những hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến CPI như ăn uống, lương thực thực phẩm, nhà ở, điện, nước là nhóm không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu hay khủng hoảng giá năng lượng. Không những thế, Chính phủ còn có thể can thiệp, kiểm soát giá một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chiến lược.

Áp lực lạm phát của Việt Nam cũng không lớn trong tình huống nhập khẩu lạm phát. Đó là bởi vì Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc là nền kinh tế vẫn duy trì lạm phát thấp, thậm chí thấp hơn lạm phát mục tiêu.

Với việc giá thị trường hàng hóa (commodity) giảm trong thời gian qua và lạm phát có dấu hiệu chững lại trên thế giới thì áp lực lạm phát của Việt Nam cũng giảm đi phần nào.

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về các nền kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương (EAP), dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 được đánh giá lại là 6,3% thay vì 6,7%.

Như vậy, áp lực lạm phát không lớn và cần hỗ trợ tăng trưởng là lý do mà NHNN có thể giảm lãi suất điều hành lúc này. Đây cũng là sự khác biệt của Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới: Việt Nam không bị rơi vào thế kẹt là phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

5. Nhịp đập Thị trường 10/04: Nhóm bán lẻ khởi sắc

MWG tăng tích cực và góp hơn 2.3 điểm vào mức tăng của VN30-Index. Theo sau có sự đóng góp của TCB và VPB khi lần lượt kéo lên gần 2 điểm cho chỉ số. Ngược lại, VIC giao dịch kém lạc quan và lấy đi gần 0.8 điểm.

Nhịp đập Thị trường 10/04: Nhóm bán lẻ khởi sắc

Nhóm bán lẻ là nhóm tăng mạnh nhất hiện nay khi Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%, dự kiến từ 01/07 đến hết năm 2023. Cụ thể, MWG và FRT tăng trên 5%, HAX tăng gần 2%, VGC tăng trên 1%, PNJ tăng gần 1%, PET và DGW tăng kịch trần…

Ngành ngân hàng cũng góp phần vào sức tăng của chỉ số chung. Các mã xanh hiện đang chiếm ưu thế hơn trong nhóm này như TCB, OCB và SHB tăng hơn 2%, STB, VIB, TPB và MBB tăng hơn 1%, PGB tăng kịch trần. Ngược lại, chỉ có VCB và BID là giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm gần 1%.

So với đầu phiên, bên mua đang chiếm ưu thế hơn. Số mã tăng đang là 463 mã và số mã giảm là 186 mã.

Mở cửa: Đầu tuần lạc quan

Các chỉ số thị trường khởi đầu tuần mới khá tích cực khi sắc xanh lan tỏa khắp thị trường. VN-Index hiện đang tăng gần 5 điểm, giao dịch quanh mức 1,074 điểm; HNX-Index tăng 2.75 điểm, giao dịch quanh mức 214 điểm.

Bên mua đang chiếm ưu thế hơn trong rổ VN30 với 23 mã tăng, 3 mã giảm và 4 mã đứng giá. Trong đó, NVL, SSI đang đang dẫn đầu trong rổ VN30. Ở chiều ngược lại, BCM đang là mã giảm giá mạnh nhất.

Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang có phiên giao dịch khá ấn tượng khi không hề có mã cổ phiếu nào giảm giá, các cổ phiếu trong ngành đều đang tăng ổn định như SSI (+1.78%), VND (+2.53%), VCI (+1.21%), HCM (+1.91%), sắc tím còn xuất hiện ở cổ phiếu VDS.

Trên đây là những cập nhật tin tức mới nhất ảnh hưởng tác động đến thị trường Forex, Vàng, Tiền điện tử và Chứng khoán,… được đội ngũ TRADERPTKT.COM chia sẻ đến bạn đọc. Mọi tin tức đều khiến thị trường có thể thay đổi đột ngột, các bạn tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại cần thận trọng. Nên có cái nhìn dài hạn hơn về thị trường, điều này sẽ giúp bạn hạn chế bớt rủi do trong quá trình đầu tư.

Mong bài viết này có thể giúp bạn tham khảo phần nào, chúc các bạn một ngày tốt lành, giao dịch tốt và có nhiều lợi nhuận!

Đánh giá

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X
Maps Maps Messenger Messenger Zalo Zalo Zalo Phone