30+ Thuật Ngữ Chứng Khoán Quan Trọng Dành Cho Người Mới

30+-Thuật-Ngữ-Chứng-Khoán-Quan-Trọng-Dành-Cho-Người-Mới
Chia sẻ

Các Thuật Ngữ Chứng Khoán Quan Trọng Cho Người Mới Bắt Đầu

Nếu bạn là người mới bắt đầu tham gia vào thị trường Chứng khoán, sẽ có rất nhiều khái niệm làm cho bạn bối rối và không biết phải tìm hiểu bắt đầu từ đâu. Vì thế, bài viết này sẽ tổng hợp lại 30 thuật ngữ Chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất đối với một nhà đầu tư cần phải biết. Khi đã nắm vững những thuật ngữ cơ bản rồi, việc tìm hiểu tham gia đầu tư Chứng khoán sẽ không còn quá khó khăn nữa.

» Khóa học Đầu Tư Chứng Khoán Dành Cho Người Mới

1. Cổ phiếu (Stock)

Cổ phiếu là một loại chứng khoán, thể hiện quyền sở hữu một phần chủ sở hữu đối với tổ chức phát hành. Người nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty và có quyền được hưởng một phần tài sản và lợi nhuận từ công ty phát hành tương đương số cổ phiếu đang có.

2. Cổ phần (Share)

Hiểu đơn giản nhất, cổ phần là các phần nhỏ bằng nhau được chia ra từ vốn điều lệ của công ty phát hành. Khi công ty tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì huy động thêm vốn cổ phần bằng cách bán cổ phiếu ra công chúng thông qua đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO).

Ví dụ: Công ty cổ phần A có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, số này được chia thành 200.000 phần bằng nhau, mỗi cổ phần giá 100.000.

Thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam

3. Cổ đông (Shareholder)

Cổ đông là người sở sở hữu cổ phần của công ty. Một cổ đông có thể là bất kỳ người, công ty hoặc tổ chức nào. Các cổ đông cùng hưởng lãi vốn (hoặc chịu lỗ) và/hoặc thanh toán cổ tức được hưởng từ mức lợi nhuận của doanh nghiệp.

Các cổ đông cũng được hưởng một số quyền như bỏ phiếu tại các cuộc họp cổ đông để phê duyệt các thành viên của hội đồng quản trị, phân phối cổ tức hoặc sáp nhập. Trong trường hợp phá sản, các cổ đông có thể mất toàn bộ khoản đầu tư của họ.

4. Cổ tức (Dividend)

Việc chia cổ tức cho thấy doanh nghiệp hoạt động có lãi, có thể đem lại nguồn thu nhập thụ động lâu dài cho nhà đầu tư.

Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác có giá trị tương đương. Trong đó, lợi nhuận ròng là số tiền mà tổng doanh thu trừ đi các khoản chi phí và thuế.

Ngoài việc công ty hoạt động tạo ra lợi nhuận và chi trả cho cổ đông, thì một phần lợi nhuận sẽ được giữ lại để tái đầu tư cũng như trích thành quỹ dự phòng, được hiểu là lợi nhuận giữ lại.

Luật Doanh nghiệp 2020 Việt Nam quy định, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.

Việc chia cổ tức có nghĩa doanh nghiệp làm ăn có lãi.
Việc chia cổ tức có nghĩa doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Có nhiều hình thức chi trả cổ tức, nhưng trả bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu được áp dụng nhiều hơn.

5. Ngày giao dịch không hưởng quyền

Khi các doanh nghiệp sắp trả cổ tức hay họp cổ đông, nhà đầu từ thường thấy khái niệm “Ngày giao dịch không hưởng quyền” hoặc “Ngày đăng ký cuối cùng”.

Hai khái niệm này dùng để xác định nhà đầu tư có được hưởng các quyền liên quan đối với cổ phiếu hay không.

“Ngày giao dịch không hưởng quyền” là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông…)

“Ngày đăng ký cuối cùng” là ngày Trung tâm lưu ký chốt danh sách khách hàng sở hữu chứng khoán để thực hiện các quyền cho cổ đông. Tại ngày chốt danh sách, nếu có tên trong danh sách, người sở hữu chứng khoán sẽ có quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.

6. Margin (Đòn bẩy tài chính)

Margin hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư.

Lợi ích khi dùng dịch vụ margin (đòn bẩy tài chính) là nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Sử dụng margin là cách để tối ưu hiệu suất đầu tư, bởi công cụ này tạo cơ hội để tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy sẽ tác dụng làm trầm trọng hơn khoản lỗ mà nhà đầu tư phải gánh chịu.

Margin là gì
Margin là gì

7. Call Margin

Call margin (lệnh gọi ký quỹ) là trường hợp công ty chứng khoán đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp.

Margin là hành động nhà đầu tư vay thêm tiền của công ty chứng khoán để tăng sức mua chứng khoán, sau đó sử dụng chính các chứng khoán đã mua làm tài sản thế chấp. Khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép, công ty chứng khoán sẽ thực hiện “call margin”.

Dưới đây là ví dụ về trạng thái và các ngưỡng kiểm soát khi giao dịch ký quỹ của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), cập nhật đến ngày 03/07/2023.

STT Ngưỡng  Tỷ lệ ký quỹ  Trạng thái tài khoản
1 Ký quỹ ban đầu (IMR) Lớn hơn hoặc bằng 100% Được giao dịch chứng khoán hoặc có thể được rút tiền mặt từ tài khoản giao dịch
2 Duy trì (MMR) Lớn hơn 80% nhưng thấp hơn 100% Thiếu ký quỹ nhưng không bắt buộc nộp thêm bổ sung
3 Yêu cầu ký quỹ (Margin Call) Lớn hơn 60% nhưng thấp hơn 80% Bắt buộc bổ sung tiền để trở lại ngưỡng ký quỹ ban đầu trong buổi sáng của ngày giao dịch hôm sau. Nếu không thực hiện được yêu cầu này thì phải bán giải chấp tài sản vào đầu giờ chiều.
4 Bắt buộc bán giải chấp (Force Sell) Thấp hơn 60%  Ngay khi tài khoản rơi vào trạng thái này thì công ty chứng khoán sẽ bán trong danh mục để trở lại ngưỡng ký quỹ ban đầu.
Trạng thái và các ngưỡng kiểm soát khi giao dịch ký quỹ
Trạng thái và các ngưỡng kiểm soát khi giao dịch ký quỹ

Chú thích: Tỷ lệ ký quỹ (Margin ratio – MR) = Tài sản ròng/Yêu cầu ký quỹ ban đầu. Tài khoản giao dịch có Tỷ lệ ký quỹ càng cao được xem là càng an toàn và ngược lại.

8. IPO

IPO (Initial Public Offering) có nghĩa là phát hành lần đầu ra công chúng.

Thuật ngữ này được dùng để chỉ hoạt động lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán của một công ty với mục đích để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Công ty sau khi IPO sẽ được gọi là một công ty đại chúng.

IPO là gì
IPO là gì

Bên cạnh chức năng huy động vốn, IPO còn cung cấp thanh khoản cho những cổ đông sáng lập, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các giao dịch sáp nhập và mua lại (M&A), tăng tính minh bạch thông qua các hoạt động công bố thông tin.

Đồng thời, hoạt động này còn khẳng định nguồn lực và vị thế của doanh nghiệp trước công chúng, giúp đẩy mạnh trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

9. Cổ phiếu Bluechip

Blue-chip là loại cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn. Từ blue-chip bắt nguồn từ loại thẻ đổi tiền khi chơi bài poker tại các sòng bạc. Chip là loại thẻ nhựa đổi tiền khi đánh bạc, theo thông lệ, chip màu xanh (blue) có giá trị quy đổi cao nhất. Khái niệm này sau đó đã được ứng dụng vào thị trường chứng khoán để phân loại cổ phiếu của công ty lớn có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp.

10. Cổ phiếu Midcap

Khái niệm Midcap đề cập đến cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô vừa phải, có vốn hóa ở mức trung bình từ 1.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng. Cổ phiếu thuộc nhóm này có yếu tố cơ bản tốt thường sẽ đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

Phân loại cổ phiếu dựa trên Vốn hóa thị trường
Phân loại cổ phiếu dựa trên Vốn hóa thị trường

Tuy là dòng cổ phiếu có tiềm năng lớn và sức hấp dẫn khi bước vào nhịp tăng, hứa hẹn sẽ có mức sinh lời hấp dẫn hơn Bluechips. Tuy nhiên thị trường biến động không ngừng, các nhà đầu tư nên cân nhắc thời điểm tham gia đầu tư hợp lý và là yếu tố cực kỳ quan trọng.

11. Cổ phiếu Penny

Penny thường được hiểu là cổ phiếu của công ty có quy mô nhỏ. Cổ phiếu có thị giá và mức vốn hóa thấp, thanh khoản kém, độ rủi ro của cổ phiếu cao.

Đây là nhóm cổ phiếu phù hợp cho việc đầu cơ do giá trị nhỏ và dễ dàng tăng trưởng khi thị trường phục hồi. Nhà đầu tư cần phải rất thận trọng khi có ý định đầu tư vào nhóm cổ phiếu này. Đây là nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong giai đoạn khủng hoảng và có yếu tố đầu cơ cao. Nhóm cổ phiếu này phù hợp với nhà đầu tư có mức độ chịu đựng rủi ro lớn và được khuyến nghị tham gia nhóm này với tỷ trọng thấp.

12. F0 chứng khoán

Thuật ngữ mới xuất hiện đầu năm 2020 chỉ những nhà đầu tư mới lần đầu tham gia thị trường chứng khoán, chưa có kinh nghiệm trong đầu tư.

13. Bull Market

Còn gọi là thị trường giá lên, chỉ xu hướng đi lên kéo dài của các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư cần nhận diện được giá tăng thực sự hay chỉ là bong bóng giả để có hướng xử lý, phòng ngừa rủi ro cho kế hoạch đầu tư.

14. Bear Market

Đây là khái niệm chỉ thị trường giá xuống, cho thấy xu hướng đi xuống của thị trường, các mã cổ phiếu chứng khoán rớt giá liên tục trong khoảng thời gian dài.

15. Sàn hoặc Sở giao dịch chứng khoán (Stock Exchange)

Đây là khái niệm chỉ nền tảng giao dịch, cung cấp cho người bán và người mua nền tảng để giao dịch, mua bán các sản phẩm chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu hay các loại chứng khoán khác theo quy định pháp luật. Hai sàn GDCK uy tín nhất và lớn nhất tại Việt Nam là Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).

16. Tính thanh khoản (Liquidity)

Tính thanh khoản đề cập đến mức độ dễ dàng mà một tài sản hoặc chứng khoán có thể được chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến giá thị trường của nó. Chứng khoán được coi là có tính thanh khoản cao chỉ sau tiền mặt.

17. Chỉ số chứng khoán (Index)

Chỉ số chứng khoán đại diện cho tất cả các cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường. Chỉ số này thường được tính theo phương pháp trọng số, dựa vào mức độ chi phối của từng của cổ phiếu, thể hiện giá trị của thị trường, cũng như hiệu suất hiện tại và trong quá khứ của chúng.

Các chỉ số index có thể chia theo quốc gia, theo ngành hoặc phân loại dựa trên mức vốn hóa thị trường. Các chỉ số này thường được sử dụng làm tiêu chuẩn để đánh giá hiệu suất của một khoản đầu tư và được theo dõi liên tục hàng ngày.

Ví dụ: VN-Index là chỉ số gồm các mã cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE, phản ánh giá cả và khối lượng của các công ty đang niêm yết lưu hành trên sàn này.

18. Bảng giá chứng khoán (Stock Price Board)

Bảng thể hiện mọi thông tin liên quan đến giá trị và những giao dịch chứng khoán được hiển thị tại sàn giao dịch. Nắm rõ cách đọc bảng giá trong chứng khoán giúp nhà đầu tư hiểu các thông tin cơ bản về mua bán, có quyết định đầu tư chính xác.

19. Giá mở cửa (Opening Price)

Mức giá tại lần khớp lệnh đầu tiên của ngày giao dịch chứng khoán, bao gồm giá mua và giá bán được quyết định theo hình thức đấu giá.

20. Giá cao nhất (High Price)

Chính là mức giá cao nhất được công nhận trong một phiên giao dịch hoặc trong suốt một chu kỳ theo dõi về sự biến động giá.

21. Giá thấp nhất (Low Price)

Ngược lại với giá cao nhất, low price là giá thấp nhất trong một phiên giao dịch chứng khoán hoặc trong một chu kỳ theo dõi sự biến động giá.

22. Giá đóng cửa (Closing Price)

Mức giá các cổ phiếu tại thời điểm đóng cửa của phiên giao dịch tại một thị trường chứng khoán nhất định. Cũng giống như giá mở cửa, giá đóng gồm giá mua/bán được quyết định qua đấu giá.

23. Giá trần

Mốc giá cao nhất trong phiên giao dịch trong ngày nhà đầu tư có thể mua hoặc bán. Giá trần được hiển thị trên bảng điện thường có màu tím.

24. Giá sàn

Mốc giá thấp nhất trong phiên giao dịch ngày mà nhà đầu tư có thể mua hoặc bán chứng khoán. Giá sàn hiển thị trên bảng điện thường là màu xanh lơ.

25. Lệnh thị trường

Là lệnh mua hoặc bán các loại chứng khoán, cổ phiếu với yêu cầu thực hiện ngay ở mức giá bán thấp nhất (khi tiến hành giao dịch mua) hoặc với mức giá mua cao nhất (khi có giao dịch bán) đang có trên thị trường.

26. Lệnh MP

Lệnh MP chỉ hoạt động trong phiên khớp lệnh liên tục. Nếu chưa khớp hết khối lượng, lệnh MP sẽ được mua tại giá cao hơn và bán ở mức giá thấp hơn tiếp theo đang được giao dịch trên thị trường.

27. Lệnh giới hạn (lệnh LO)

Là lệnh mua hay bán chứng khoán tại một mức giá đã được quyết định hoặc mức giá tốt hơn. Lệnh bắt đầu có hiệu lực khi đã được nhập thành công vào hệ thống giao dịch chứng khoán cho đến hết ngày giao dịch đó hoặc lệnh trước bị hủy bỏ. Ở Việt Nam, lệnh LO được giao dịch đến hết 14h45 (trừ phiên giao dịch thỏa thuận), riêng tại sàn Upcom, lệnh này được giao dịch đến 15h.

28. Lệnh ATO

Đây là lệnh chỉ áp dụng trên HOSE, được ưu tiên trước lệnh giới hạn. ATO là lệnh giao dịch tại giá khớp lệnh để xác định mức giá mở cửa. Nhà đầu tư cần nhập lệnh vào hệ thống trước khi diễn ra giao dịch hoặc nhập lệnh trong phiên khớp lệnh định kỳ. Sau 9h15, lệnh ATO sẽ không được thực hiện, nếu còn một phần lệnh chưa được khớp hết, hệ thống sẽ tự động hủy.

29. Lệnh ATC

Lệnh ATC cũng có đặc điểm tương tự như lệnh ATO. Tuy nhiên, đây là lệnh để xác định giá đóng cửa. Lệnh ATC được giao dịch từ 14h45 – 15h trên cả sàn HOSE và HNX.

30. CANSLIM

Nhà đầu tư dựa vào phương pháp CANSLIM để tìm kiếm các cổ phiếu tăng trưởng cao tại thị trường tăng giá, nhằm sinh lời trong ngắn hạn. Phương pháp CANSLIM được tạo ra bởi William J. O’Neil, một nhà môi giới chứng khoán rất thành công vào những năm 1950. Phương pháp này đòi hỏi phải mua và bán cổ phiếu liên tục, hấp dẫn các nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn.

William J. O’Neil, một doanh nhân, nhà đầu tư chứng khoán huyền thoại, là cha đẻ chiến lược đầu tư CANSLIM.
William J. O’Neil, một doanh nhân, nhà đầu tư chứng khoán huyền thoại, là cha đẻ chiến lược đầu tư CANSLIM.

Phương pháp này sử dụng 7 tiêu chí để chọn cổ phiếu, được thể hiện qua các chữ cái C-A-N-S-L-I-M:

  • C – Current Quarterly Earnings – Thu nhập hàng quý
  • A: Annual Earnings Growth – Tăng trưởng thu nhập hàng năm
  • N: New Product, Service, Management, Price Breakout – Sản phẩm mới, dịch vụ và quản lý mới, đột phá về giá
  • S: Supply and Demand – Cung và Cầu
  • L: Leader or Laggard – Dẫn đầu hoặc tụt hậu
  • I: Institutional Sponsorship – Nhà đầu tư tổ chức
  • M: Market Direction – Hướng thị trường

31. Tâm lý FOMO

Tâm lý sợ bỏ lỡ FOMO có thể dẫn đến các quyết định sai lầm của nhà đầu tư khi chứng kiến một mã cổ phiếu trên đà tăng trưởng hoặc giảm mạnh.

FOMO là viết tắt của cụm từ Fear of Missing Out, chỉ trạng thái tâm lý lo lắng, sợ bỏ lỡ cơ hội. FOMO dẫn dắt lòng tham và đánh thức nỗi sợ sâu thẳm của mỗi người nên thường được coi là “cái bẫy” với không chỉ các nhà đầu tư F0 mà còn với cả những người giàu kinh nghiệm.

Trong chứng khoán, FOMO phản ánh tâm lý của nhà đầu tư khi chứng kiến một mã cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng hoặc giảm mạnh.

Khi thị trường tiếp đà tăng trưởng, FOMO sẽ dẫn dắt nhà đầu tư giao dịch theo tâm lý đám đông. Khi xuất hiện mã cổ phiếu tăng mạnh, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội sinh lời khiến bạn không ngần ngại xuống tiền ngay lập tức. Đầu tư khi không hiểu rõ thị trường, doanh nghiệp và không ước chứng được rủi ro khiến nhiều nhà đầu tư dễ gặp thất bại.

Còn trong trường hợp thị trường trên đà giảm điểm, nếu bị chi phối bởi hiệu ứng FOMO, nhà đầu tư thường nảy sinh cảm giấc bất an, thiếu tự tin, từ đó dễ dẫn đến các quyết định sai lầm. Điều này ảnh hưởng đến kết quả đầu tư trong dài hạn.

Tâm lý đám đông
Tâm lý đám đông

32. Đầu tư

Đầu tư giá trị là chiến lược đầu tư lựa chọn các chứng khoán đang được giao dịch với giá thấp hơn giá trị nội tại hoặc giá trị sổ sách. Nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán cho đến khi giá về với giá trị nội tại để chốt lời, thu về lợi nhuận.

33. Đầu cơ

Đầu tư lướt sóng (đầu cơ) là chiến lược tận dụng các biến động lên xuống của thị trường trong một khoản thời gian ngắn để mua bán thu lời.

Sự khác biệt chính giữa hai trường phái là về thời gian giao dịch. Đầu tư giá trị có thời gian nắm giữ dài, thường tính theo tháng, thậm chí theo năm. Trong khi đó, với đầu tư lướt sóng, thời gian nắm giữ chứng khoán chỉ tính theo ngày, theo tuần với tần suất giao dịch lớn.

Trường phái đầu tư và đầu cơ
Trường phái đầu tư và đầu cơ

34. Phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách kiểm tra các nhân tố kinh tế và tài chính có liên quan như: Lợi nhuận, Doanh thu, ROE, ROA, P/E, ….

35. phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật xem xét chuyển động giá, khối lượng giao dịch của một chứng khoán và sử dụng dữ liệu này để dự đoán biến động giá trong tương lai.

Yếu tố Phân tích cơ bản Phân tích kỹ thuật
Mục tiêu Xác định giá trị nội tại của chứng khoán Xác định điểm mua vào và điểm bán ra của chứng khoán
Dữ liệu đầu vào Báo cáo tài chính, sự kiện, tin tức về ngành và nền kinh tế Giá và khối lượng giao dịch của chứng khoán
Phương pháp phân tích
  • Phân tích định lượng: báo cáo kết quả kinh doanh, sức khỏe tài chính
  • Phân tích định tính: các chính sách kinh tế vĩ mô, tình hình ngành, tiềm năng phát triển, …
Phân tích dựa trên mô hình nến, mô hình giá, đường xu hướng, kháng cự hỗ trợ, các chỉ báo kỹ thuật, hành động giá, …
Chiến lược đầu tư Đầu tư trung và dài hạn Đầu tư ngắn hạn
Cơ sở ra quyết định đầu tư Mua/bán khi tài sản ở dưới/trên giá trị nội tại Thông tin giá, khối lượng và các dấu hiệu chỉ số kỹ thuật

» Khóa học phương pháp giao dịch nến Heiken Ashi (Video)

Ngoài ra các bạn có thể theo dõi những thông tin và chia sẻ mới nhất từ trang TRADERPTKT.COMNguyễn Hữu Đức Trader. Chúng tôi có các khóa học từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp bạn trang bị kiến thức đầu tư tài chính trên các thị trường chứng khoán, ngoại hối và tiền điện tử.

Chúc may mắn và thành công!

Bảng xếp hạng sàn giao dịch

Đánh giá

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

X
Maps Maps Messenger Messenger Zalo Zalo Zalo Phone