Cập Nhật Tin Tức Thị Trường 17/05/2023
Phố Wall chuẩn bị cho những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ, Dầu giảm nhẹ trước dữ liệu yếu của kinh tế chung quốc,Vàng thế giới rớt ngưỡng 2000 USD/oz? Trong bài viết này đội ngũ TRADERPTKT.COM chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những cập nhật mới nhất về tình hình thị trường Forex, Vàng, , Oil, Tin Tức Về Ngân Hàng Quốc Tế, Tin Tức Kinh Tế Mỹ.
1. Phố Wall chuẩn bị cho những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ
Khi các cuộc đàm phán về việc nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD hiện nay diễn ra căng thẳng, các ngân hàng và các công ty quản lý tài sản trên phố Wall đã bắt đầu chuẩn bị cho những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ.
Lĩnh vực tài chính đã chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng như vậy vào trước đó và gần đây nhất là vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, lần này, thời gian cho việc đạt thỏa thuận tương đối ngắn, khiến các ngân hàng lo ngại. Giám đốc điều hành (CEO) Citigroup, Jane Fraser, cho rằng bất đồng về trần nợ lần này đáng lo ngại hơn trong các lần trước. CEO của JPMorgan Chase & CO, Jamie Dimon, cho biết ngân hàng này tiến hành họp hàng tuần về những tác động nếu nước Mỹ vỡ nợ.
Trái phiếu chính phủ Mỹ là cơ sở của hệ thống tài chính toàn cầu. Do đó, việc đánh giá đầy đủ tác động nếu nước này vỡ nợ sẽ là khó khăn.
Các CEO trên phố Wall, những người tư vấn về trái phiếu chính phủ, cảnh báo vấn đề của thị trường trái phiếu sẽ nhanh chóng lan sang các thị trường chứng khoán phái sinh, cho vay thế chấp và hàng hóa, khi nhà đầu tư hoài nghi về giá trị pháp lý của trái phiếu vốn được sử dụng rộng rãi để đảm bảo cho các giao dịch và các khoản vay. Việc nợ vượt trần dù trong thời gian ngắn có thể sẽ khiến lãi suất tăng, giá cổ phiếu lao dốc và dẫn tới những vi phạm đối với các thỏa thuận vay.
Theo Moody’s Analytics, các thị trường vốn ngắn hạn có thể đóng băng.
Các ngân hàng, các công ty môi giới và các nền tảng giao dịch đang chuẩn bị trước cho khả năng thị trường trái phiếu chính phủ gián đoạn cũng như những biến động rộng hơn.
Sự chuẩn bị bao gồm việc cân nhắc cách thức thanh toán trái phiếu chính phủ, phản ứng của các thị trường vốn, việc đảm bảo về công nghệ, năng lực của nhân viên và tiền mặt để xử lý khối lượng giao dịch lớn cùng với việc đánh giá tác động đối với các hợp đồng với khách hàng. Các nhà đầu tư lớn vào trái phiếu cho rằng việc duy trì thanh khoản ở mức cao là cần thiết để có thể đối mặt với biến động giá tài sản và tránh việc phải bán ra ở thời điểm có thể là tồi tệ nhất.
Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng Một vừa qua. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc đình chỉ, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Ngày 14/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông vẫn “lạc quan” tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa, qua đó ngăn chặn khủng hoảng nợ công và nhiều hệ lụy đến kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.
Đàm phán giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ về việc nâng trần nợ công liên tục rơi vào bế tắc bất chấp nhiều cảnh báo rằng tình trạng nỡ nợ sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trong khi Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện thì các nghị sỹ đảng Cộng hòa lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu công nêu muốn nâng trần nợ liên bang hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD./.
2. Dầu giảm nhẹ trước dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 26 xu xuống 74.97 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 17 xu còn 70.94 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng hơn 1% vào ngày thứ Hai (15/5), đảo chiều tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Gây áp lực cho giá dầu vào ngày thứ Ba, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ thấp hơn dự báo trong tháng 4/2023, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất đà tăng trưởng vào đầu quý II/2023. Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 18.9% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao thứ 2 được ghi nhận đã hỗ trợ giá dầu thô phần nào.
Với việc các nhà máy lọc dầu xây dự ko dự trữ trước mùa du lịch hè ở bắc bán cầu, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đang tiến tới mức 11 triệu thùng/ngày, cao hơn so với mức 10.67 triệu thùng/ngày trong tháng 4, Refinitiv Oil Research cho biết. Dữ liệu tổng hợp từ Wood Mackenzie cho biết lượng tiêu thụ nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 6 được dự báo sẽ tăng 1.5% so với tháng trước đó.
Trong khi đó, IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Cơ quan này cho biết sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã vượt qua kỳ vọng, với nhu cầu đạt kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023. Trong một yếu tố thúc đẩy giá dầu khác, Bộ Năng lượng Mỹ vào ngày thứ Hai (15/5) cho biết sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô giao tháng 8 trong một động thái nhằm bắt đầu lấp đầy kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR).
SPR đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983 sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm ngoái tiến hành đợt bán lớn nhất từ trước đến nay từ kho dự trữ khẩn cấp 180 triệu thùng một phần trong chiến lược ổn định thị trường dầu mở tăng vọt và chống lại đà tăng vọt giá dầu sau cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ đã giảm 1.3 triệu thùng vào tuần trước, theo các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Cũng về vấn đề nguồn cung ở Bắc Mỹ, các vụ cháy rừng lan rộng ở Alberta, Canada đã làm mất ít nhất 319,000 thùng dầu/ngày, chiếm 3.7% sản lượng quốc gia.
Nguồn cung dầu thô toàn cầu cũng có thể khan hiếm trong nửa cuối năm khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gồm Nga, gọi chung là nhóm OPEC+, thực hiện cắt giảm sản lượng bổ sung.
3. Giảm hơn 300 điểm, Dow Jones rớt mốc MA50 lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3/2023
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones rớt mốc bình quân 50 phiên lần đầu tiên kể từ ngày 30/3/2023. Chỉ số này đã mất 336.46 điểm (tương đương 1.01%) còn 33,012.14 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0.64% xuống 4,109.90 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0.18% xuống 12,343.05 điểm.
Cổ phiếu thành phần thuộc Dow Jones, Home Depot, rớt 2.15% sau khi công ty bán lẻ báo cáo doanh thu hàng quý gây thất vọng và hạ dự báo cả năm, do người tiêu dùng hoãn lại các dự án cải tạo nhà lớn.
Doanh số bán lẻ tháng 4 tại Mỹ tăng 0.4%, thấp hơn so với dự báo tăng 0.8% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Bill Merz của U.S. Bank Wealth Management nhận định: “S&P 500 đã thực sự giao dịch trong phạm vi 3800 đến 4200 kể từ giữa tháng 11/2022, và chúng ta gần như bị mắc kẹt ở đó. Tôi nghĩ nó phản ánh sự bất định mà nhà đầu tư cảm thấy xung quanh những gì sẽ xảy ra về mặt chính sách. Nền kinh tế sẽ phản ứng như thế nào? Liệu người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu trong giai đoạn này hay không, và điều đó có thể kéo dài bao lâu?”.
Nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi tiến trình đàm phán trần nợ vào. Vào ngày thứ Hai (15/5), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tái khẳng định rằng nước này phải đối mặt với khả năng vỡ nợ sớm nhất vào ngày 01/6/2023, ngày được gọi là ngày X, nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thoả thuân. Vào ngày thứ Ba, bà Yellen đã tiếp tục cảnh báo về việc cần nâng trần nợ ngay lập tức.
Bà Yellen cho biết: “Vỡ nợ sẽ phá vỡ nền tảng mà hệ thống tài chính của chúng ta xây dựng nên. Rất có thể chúng ta sẽ thấy một số thị trường tài chính bị phá vỡ – với sự hoảng loạn trên toàn thế giới gây ra các lệnh gọi ký quỹ, tháo chạy và cháy hàng”.
Ông Biden duy trì quan điểm lạc quan hơn về các cuộc đàm phán đang diễn ra vào cuối tuần, trong khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết vẫn còn những trở ngại đáng kể. Ông Biden cho đến nay vẫn khẳng định việc nâng trần nợ là không thể thương lượng. Tuy nhiên, ông McCarthy đã thúc đẩy các cuộc đàm phán cho một thoả thuận trong đó việc nâng trần nợ sẽ gắn liền với cắt giảm chi tiêu.
4. Vàng thế giới rớt ngưỡng 2,000 USD/oz
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1.47% xuống 1,990.89 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1.38% còn 1,994.70 USD/oz.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng thấp hơn dự báo trong tháng 4, nhưng xu hướng cơ bản vẫn ổn định, thúc đẩy đồng USD tăng và đưa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong 2 tuần.
Chủ tịch Fed khu vực Richmond, Thomas Barkin, cho biết ông “thoải mái” với việc nâng lãi suất thêm nữa nếu cần để làm giảm lạm phát. Chủ tịch Fed khu vực Cleveland, Loretta Mester, cho biết ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa có thời điểm để giữ lãi suất ổn định trong thời gian dài.
Các nhận định này được đưa ra sau các phát biểu mang tính “diều hâu” từ các quan chức Fed khác vào ngày thứ Hai (15/5).
Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Chúng ta cần thấy nhiều dấu hiệu hơn về sự thay đổi từ Fed và chúng tôi chưa thực sự nhìn thấy điều đó”. Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại không đem lại lợi suất, mặc dù vàng được xem là một kênh phòng ngừa trước những bất ổn kinh tế.
Trên đây là những cập nhật tin tức mới nhất ảnh hưởng tác động đến thị trường Forex, Vàng, Tiền điện tử và Chứng khoán,… được đội ngũ TRADERPTKT.COM chia sẻ đến bạn đọc. Mọi tin tức đều khiến thị trường có thể thay đổi đột ngột, các bạn tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại cần thận trọng. Nên có cái nhìn dài hạn hơn về thị trường, điều này sẽ giúp bạn hạn chế bớt rủi do trong quá trình đầu tư.
Mong bài viết này có thể giúp bạn tham khảo phần nào, chúc các bạn một ngày tốt lành, giao dịch tốt và có nhiều lợi nhuận!