Khái Niệm Đỉnh Đáy
Quan sát trên biểu đồ nến Nhật chúng ta dễ dàng quan sát được các vị trí giá đảo chiều xu hướng. Đỉnh là điểm cao nhất và Đáy là điểm thấp nhất trong chu kỳ biến động của giá trên biểu đồ. Từ những vị trí này, chúng ta xác định các Đỉnh (High) và Đáy (Low) trên biểu đồ.
Các vị trí này cũng được coi là những Điểm Xoay (Pivot Point), tại những điểm này thị trường có xu hướng đảo chiều từ giảm sang tăng (Đáy) hoặc từ tăng sang giảm (Đỉnh). Việc xác định vùng Đỉnh Đáy là khá trực quan và dễ dàng nhận biết trên biểu đồ. Đây là những khái niệm mà bạn cần nắm rõ để chúng ta sẽ còn đề cập ở những phần sau của khóa học này.
Từ việc xác định được các Đỉnh và Đáy chúng ta dùng những phương pháp vẽ đường xu hướng (trendline) ở phần tiếp theo để có thể xác định được xu hướng thị trường. Việc dự đoán được xu hướng tăng, xu hướng giảm hoặc đi ngang giúp chúng ta biết được khi nào nên vào lệnh Mua (Buy) hay Bán (Sell) cũng như có chiến lược giao dịch phù hợp.
Bạn cũng cần nên nhớ câu nói rất hay này: “Xu Hướng Là Bạn” (Trend Is Your Friend). Chúng ta nên là “bạn của xu hướng” chứ đừng đi ngược xu hướng. Việc đi theo xu hướng tức là:
- Xu hướng tăng thì chỉ nên canh vào lệnh Buy và chốt lệnh Sell
- Xu hướng giảm thì chỉ nên canh lệnh Sell và chốt lệnh Buy
- Xu hướng đi ngang thì nên đứng ngoài thị trường
Ngoài biểu đồ nến Nhật (Candlestick Chart) chúng ta cũng có thể vẽ Trendline trên các dạng biểu đồ khác như: biểu đồ Thanh (Bar Chart), biểu đồ Đường (Line Chart), biểu đồ nến Heiken Ashi (HA Chart).
Trong khóa học này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn vẽ đường xu hướng chủ yếu trên biểu đồ nến Nhật thông thường. Do tính chất không khác biệt nhiều nên bạn có thể áp dụng các phương pháp vẽ Trendline tương tự như trên các dạng biểu đồ khác.