Ba Nến Đảo Chiều Tăng Và Ba Nến Đảo Chiều Giảm
Ba Nến Đảo Chiều Tăng (Three Inside Up)
Mô hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của xu hướng giảm. Nó thể hiện rằng xu hướng giảm có thể đã hết và xu hướng tăng đã bắt đầu. Để có một mô hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng đúng, cần chú ý các đặc điểm sau:
- Cây nến đầu tiên thường nằm ở cuối cùng của xu hướng giảm, thể hiện qua hình ảnh một cây nến giảm dài.
- Cây nến thứ 2 là một cây nến tăng, chạm vào phần giữa của cây nến giảm trước đó.
- Cây nến thứ 3 cần đóng cửa phía trên cây nến đầu tiên nhằm xác định rằng bên Mua đã thắng thế.
Ba Nến Đảo Chiều Giảm (Three Inside Down)
Ngược lại, mô hình Ba Nến Đảo Chiều Giảm sẽ nằm ở cuối cùng của xu hướng tăng. Nó thể hiện rằng xu hướng tăng có thể đã kết thúc và xu hướng giảm bắt đầu.
- Cây nến đầu tiên thường nằm ở cuối cùng của xu hướng tăng, thể hiện qua hình ảnh một cây nến tăng dài.
- Cây nến thứ 2 là một cây nến giảm, chạm vào phần giữa của cây nến tăng trước đó.
- Cây nến thứ 3 cần đóng cửa phía dưới cây nến đầu tiên nhằm xác định rằng bên Bán đã thắng thế.
Chiến Lược Giao Dịch
Chúng ta áp dụng cả hai mô hình để đáy bắt đỉnh xu hướng. Như những mô hình trước, để tăng tính hiệu quả chúng ta nên kết hợp với những công cụ và chỉ báo kỹ thuật khác. Có thể giao dịch tại các vùng hỗ trợ kháng cự, các đường xu hướng hoặc các vùng hợp lưu của nhiều yếu tố. Dưới đây là cách thiết lập tín hiệu giao dịch lần lượt cho 2 mô hình nến bạn có thể tham khảo.
1. Thiết lập tín hiệu giao dịch với mô hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng
- Điểm vào lệnh (Entry): Vào lệnh tại giá đóng cửa của cây nến thứ 3.
- Điểm dừng lỗ (Stoploss): Thường là nằm bên dưới mô hình nến.
- Điểm chốt lời (Takeprofit): Theo tỉ lệ RR hoặc theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người, cũng có thể là vùng kháng cự cũ.
Dưới đây là biểu đồ Vàng khung thời gian ngày (XAUUSD, D1), sau một xu hướng giảm xuất hiện mô hình Ba Nến Đảo Chiều Tăng khá đẹp. Điểm vào lệnh (Entry) tại giá đóng cửa của cây nến thứ 3. Điểm dừng lỗ (Stoploss) phía dưới mô hình nến. Điểm chốt lời (Takeprofit) theo tỉ lệ R:R = 1:2 hoặc theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người.
2. Thiết lập tín hiệu giao dịch với mô hình Ba Nến Đảo Chiều Giảm
- Điểm vào lệnh (Entry): Vào lệnh tại giá đóng cửa của cây nến thứ 3.
- Điểm dừng lỗ (Stoploss): Thường là nằm bên trên mô hình nến.
- Điểm chốt lời (Takeprofit): Theo tỉ lệ RR hoặc theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người, cũng có thể là vùng hỗ trợ cũ.
Trong trường hợp biểu đồ cặp tiền Bảng Anh/ Dollar khung ngày (GBPUSD, D1) bên dưới, sau một giai đoạn tăng, xuất hiện mô hình Ba Nến Đảo Chiều Giảm. Chúng ta có thể đặt lệnh Sell ngay tại giá đóng cửa của cây nến thứ 3. Điểm dừng lỗ (Stoploss) phía trên mô hình nến. Điểm chốt lời (Takeprofit) theo tỉ lệ R:R = 1:2 hoặc tùy theo mục tiêu lợi nhuận của bạn.
Tổng Kết Các Mô Hình Nến Nhật Thông Dụng Thường Gặp
Sau đây, TRADERPTKT sẽ tổng kết một số mô hình nến thường gặp trên biểu đồ giao dịch hiện nay. Mô hình nến Nhật được thể hiện thông qua các mức giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất, đóng cửa của một khoảng thời gian nhất định nào đó.
- Nếu giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa thì đó là một cây nến tăng.
- Nếu giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa thì đó là một cây nến giảm.
- Khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa được gọi là thân nến.
- Phần đuôi nằm ngoài thân nến thể hiện biên độ cao/thấp thì được gọi là bóng nến.
- Giá nằm ở đỉnh bóng trên là giá cao nhất phiên.
- Giá nằm ở đáy bóng dưới là giá thấp nhất phiên.
- Thân nến dài chứng tỏ lực Mua hoặc Bán mạnh. Thân càng dài thì cho thấy lực càng mạnh.
- Thân nến ngắn chứng tỏ lực Mua hoặc Bán yếu.
- Bóng nến trên thể hiện mức giá cao nhất trong phiên.
- Bóng nến dưới thể hiện mức giá thấp nhất trong phiên.
Có nhiều loại mô hình nến và chúng được sắp xếp tùy vào số lượng nến tạo thành mô hình đó.
- Mẫu hình nến cơ bản: Con Xoay, Marubozu, Doji…
- Mô hình 1 nến: Cây Búa (Hammer), Người Treo Cổ (Hanging Man), Búa Ngược, Sao Đổi Ngôi…
- Mô hình 2 nến: Bao Trùm Tăng, Nhấn Chìm Giảm
- Mô hình 3 nến: Sao Mai, Sao Hôm, Ba Chàng Lính, Ba Con Quạ, Ba Nến Đảo Chiều Tăng, Ba Nến Đảo Chiều Giảm…
Kết hợp phân tích biểu đồ với các mô hình nến và lý thuyết về hỗ trợ, kháng cự, đường xu hướng và các chỉ báo sẽ giúp chúng ta có kết quả giao dịch tốt hơn.
Mô hình nến có thể đưa ra những tín hiệu về sự đảo chiều hay tiếp diễn của giá nhưng không có nghĩa rằng sự đảo chiều hay tiếp diễn này chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng ta cần cân nhắc đến những biến động của thị trường tại thời điểm đó cũng như những hành động của giá.
Như vậy là chúng ta đã biết được tất cả các mô hình nến thường gặp trên biểu đồ giao dịch qua các bài học trên. Trước khi đến đến phần cuối của khóa học này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn về một số mô hình nến thông dụng chuyên về trường phái Price Action. Đây là những mô hình nến mà TRADERPTKT vô cùng tâm đắc được cộng đồng Trader chuyên nghiệp ưa thích sử dụng. Bạn không nên bỏ qua vì đây là những kiến thức vô cùng quan trọng. Mời bạn đón xem!