Mô Hình Giá Vai Đầu Vai
Khóa học này sẽ tổng hợp những mô hình giá quan trọng đang được rất nhiều các nhà giao dịch chuyên nghiệp quan tâm hiện nay. Mô Hình Giá (Price Pattern) là một dạng diễn biến giá, một tập hợp các dạng biểu đồ nến lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá khứ theo những hình mẫu nhất định và Trader sử dụng những mô hình này để dự đoán hành vi của giá trong tương lai khi chúng có dấu hiệu lặp lại.
Chúng ta sẽ bắt đầu với bài học đầu tiên là mô hình giá Vai Đầu Vai. Mô hình này rất thường hay xuất hiện trong biểu đồ giao dịch trên tất cả thị trường tài chính như Forex, Chứng Khoán và Bitcoin.
Mô Hình Giá Vai Đầu Vai Là Gì?
Đối với mô hình giá Vai Đầu Vai, chúng ta quan sát các đỉnh và đáy trên biểu đồ, cố gắng liên tưởng đến hình dạng một người có đầu và 2 vai. Có 2 dạng mô hình Vai Đầu Vai:
Mô hình Vai Đầu Vai Thuận (Mô hình giảm giá) có ba mức sóng (Swing) cao, sóng giữa cao nhất gọi là Đầu (Head), hai sóng cao còn lại là Vai (Shoulders). Đường nối giữa hai mức thấp là Đường viền cổ áo (Neckline). Vai trái và Đầu làm nổi bật xu hướng tăng, Vai phải kết thúc thấp hơn Đầu cho thấy xu hướng tăng đã kết thúc. Việc phá vỡ đường viền cổ sau đó xác nhận sự thay đổi của xu hướng đảo chiều từ tăng sang giảm.
Mô hình Vai Đầu Vai Ngược (Mô hình tăng giá) có ba mức sóng (swing) thấp, sóng giữa thấp nhất là Đầu (Head), hai sóng thấp còn lại là Vai (Shoulders). Đường nối giữa hai đỉnh cao là Đường viền cổ áo (Neckline).
Vai trái và Đầu làm nổi bật xu hướng giảm, Vai phải kết thúc trên đầu cho thấy xu hướng giảm đã kết thúc. Việc phá vỡ đường viền cổ sau đó xác nhận sự thay đổi của xu hướng. Xác nhận xu hướng đã đảo chiều từ giảm sang tăng.
Lưu ý: Trong thực tế, Đường viền cổ (Neckline) không nhất thiết phải đi qua các mức sóng bằng nhau. Tùy theo mỗi Trader, việc xác định đường Neckline có thể đi qua một trong 2 mức swing hoặc trung bình giữa 2 mức swing.
Chiến Lược Giao Dịch
Mô hình Vai Đầu Vai là một mô hình giá đảo chiều xu hướng. Mô hình Vai Đầu Vai tăng giá phải diễn ra sau một xu hướng giảm và mô hình Vai Đầu Vai giảm giá sẽ diễn ra sau một xu hướng tăng. Nói chung, xu hướng càng dài, sự hình thành Vai Đầu Vai càng lớn để đảo chiều xu hướng.
Đối với một mô hình giá Vai Đầu Vai Thuận (giảm giá), tín hiệu Bán khi:
- Khi thoát ra khỏi đường viền cổ áo.
- Khi Pullback đến đường viền cổ sau khi thoát ra.
Đối với một mô hình giá Vai đầu Vai Ngược (tăng giá), Mua:
- Khi thoát ra khỏi đường viền cổ áo.
- Khi Pullback đến đường viền cổ sau khi thoát ra.
1. Thiết lập tín hiệu giao dịch mô hình Vai Đầu Vai Thuận
- Điểm vào lệnh (Entry): Vào lệnh Sell tại vị trí giá phá qua đường Neckline hoặc chờ giá hồi lại đường Neckline.
- Điểm dừng lỗ (Stoploss): Thường là nằm bên trên Vai phải. Đối với trường hợp khoảng cách giữa Vai và Đường viền cổ khá lớn, chúng ta có thể đặt dừng lỗ phía trên đỉnh gần nhất hoặc phía trên cây nến dài phá qua đường Neckline.
- Điểm chốt lời (Takeprofit): Bằng khoảng chiều cao từ đường Neckline đến Đầu. Hoặc theo tỉ lệ RR hay theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người, cũng có thể là vùng kháng cự cũ.
Dưới đây là biểu đồ Euro/ Dollar khung thời gian ngày (EURUSD, D1), xuất hiện mô hình giá Vai Đầu Vai Thuận rất đẹp, tại đường Neckline giá phá qua với một cây nến Marubozu giảm xác nhận xu hướng đã đảo chiều sang xu hướng giảm. Điểm vào lệnh (Entry) tại vị trí giá phá qua đường Neckline, nếu bạn đã bỏ lỡ điểm vào lệnh này thì vẫn còn cơ hội khi chờ giá hồi về đường Neckline chúng ta sẽ tiếp tục vào lệnh Sell. Điểm dừng lỗ (Stoploss) phía trên Vai (Shoulder). Điểm chốt lời (Takeprofit) bằng chiều cao từ đường Neckline đến Đầu hoặc theo tỉ lệ R:R = 1:2 hay theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người.
2. Thiết lập tín hiệu giao dịch mô hình Vai Đầu Vai Ngược
- Điểm vào lệnh (Entry): Vào lệnh Buy tại vị trí giá phá qua đường Neckline hoặc chờ giá hồi lại đường Neckline.
- Điểm dừng lỗ (Stoploss): Thường là nằm bên dưới Vai phải. Đối với trường hợp khoảng cách giữa Vai và Đường viền cổ khá lớn, chúng ta có thể đặt dừng lỗ phía dưới đỉnh gần nhất hoặc phía dưới cây nến dài phá qua đường Neckline.
- Điểm chốt lời (Takeprofit): Bằng khoảng chiều cao từ đường Neckline đến Đầu. Hoặc theo tỉ lệ RR hay theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người, cũng có thể là vùng kháng cự cũ.
Đối với trường hợp ví dụ bên dưới (USDCHF, D1) thể hiện mô hình Vai Đầu Vai ngược, chúng ta sẽ chờ giá phá qua đường Neckline hoặc chờ hồi về đường Neckline sẽ đặt lệnh Buy. Điểm dừng lỗ (Stoploss) phía dưới Vai (Shoulder). Điểm chốt lời (Takeprofit) bằng chiều cao từ đường Neckline đến Đầu hoặc theo tỉ lệ R:R thông thường là 1:2 hay theo kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người.
Trên đây là Mô hình giá Vai Đầu Vai giúp cho bạn có cái nhìn khách quan hơn về những diễn biến của hành động giá trên biểu đồ nến Nhật. Mời bạn đón đọc những bài học tiếp theo về những mô hình giá phổ biến khác nhé.